ICTnews – Tái cơ cấu Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong việc thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, cũng là việc thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 99/2012.
Tạo sức mạnh cho tái cơ cấu VNPT
Quyết tâm cao của cơ quan quản lý
Có thể nói, tái cơ cấu là công việc hết sức khó khăn, phức tạp đối với chính VNPT và Bộ TT&TT. Từ một doanh nghiệp hoạt động độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh, VNPT đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi bộ máy, con người, cơ chế hoạt động. Bên cạnh đó, giai đoạn 2008 – 2012, VNPT còn gặp nhiều thách thức do xảy ra một số vụ tiêu cực, sự biến động của tổ chức như tách bưu chính ra khỏi viễn thông, chuyển đổi từ khai thác mạng cố định sang di động, 3G. Dù 5 năm gần đây, doanh thu bình quân của VNPT vẫn đạt khoảng 96.000 tỷ, lợi nhuận bình quân 9800 tỷ đồng/năm, nhưng thực tế hiệu quả kinh doanh 5 năm qua liên tục đi xuống, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm, các đơn vị phụ thuộc quá lớn vào công ty mẹ mất đi tính chủ động, cạnh tranh trên thị trường, xuất hiện tình trạng cạnh tranh nội bộ do cùng kinh doanh một loại dịch vụ giống nhau.
Để có thể trở lại với vai trò là một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, yêu cầu tái cơ cấu là một yêu cầu hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế trong 1 năm triển khai đề án tái cơ cấu theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng, VNPT đã bộc lộ sự lúng túng, chưa nhận thức đúng sự cấp thiết và chưa chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu.
Với vai trò là Bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BCVT – CNTT, đồng thời là chủ sở hữu Nhà nước đối với VNPT, Bộ TT&TT đã vào cuộc tái cơ cấu VNPT từ rất sớm mà rõ nét nhất chính là tham mưu cho Chính phủ để triển khai tách VietnamPost ra khỏi VNPT để hoạt động độc lập. Những kết quả, bước đi và thành công trong việc tách VietnamPost ra khỏi VNPT chính là bài học kinh nghiệm, là tiền đề để Bộ TT&TT có những quyết định mạnh dạn, chắc chắn trong quá trình chỉ đạo tái cơ cấu VNPT.
Ngày 21/3/2013, Bộ TT&TT lần đầu tiên làm việc với Tập đoàn VNPT với vai trò là chủ sở hữu Nhà nước. Tiếp sau đó là hàng loạt các cuộc làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn, khảo sát các đơn vị thành viên để chỉ đạo VNPT hoàn tất Đề án tái cơ cấu Tập đoàn BCVT Việt Nam theo nội dung Quyết định 929/QĐ-TTg. Bộ TT&TT cũng đã thành lập các nhóm làm việc, ban hành các văn bản như Chỉ thị 36/CT-BTTTT ngày 24/8/2012 và sau đó là văn bản 1357/BTTTT- CVT ngày 10/5/2013 hướng dẫn và chỉ đạo việc triển khai tái cơ cấu đối với VNPT.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, mặc dù Bộ TT&TT đã đưa ra những yêu cầu, định hướng đối với VNPT trong việc tái cơ cấu, nhưng VNPT còn lúng túng trong việc triển khai. VNPT chưa thể hiện quyết tâm bám sát những chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ TT&TT để khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn. VNPT chưa nhận thức hết được tái cơ cấu là thời cơ để hoàn thiện mình hơn về tổ chức bộ máy, quản trị doanh nghiệp, đưa tập đoàn phát triển xứng đáng với tiềm năng của mình.
Chuyển động hối hả
Để có sự đột phá cho tiến trình tái cơ cấu VNPT, ngày 6/8/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã quyết định giao cho ông Trần Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc VNPT Hà Nội phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc thay cho ông Vũ Tuấn Hùng.
Ngay sau khi VNPT có Tổng giám đốc mới, ngày 7/8/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành khác về nhiệm vụ tái cơ cấu VNPT. Tại buổi làm việc này, Thủ tướng đã có những chỉ đạo, định hướng quan trọng cho quá trình tái cơ cấu VNPT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, quá trình tái cơ cấu VNPT cần thực hiện đúng các giải pháp đã được nêu trong Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” kèm theo Quyết định 929/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/7/2012, nhằm tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm cho VNPT sau tái cơ cấu trở thành một tập đoàn viễn thông mạnh của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, ngày 8/8/2013, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn VNPT về nhiệm vụ tái cơ cấu.
Ông Trần Mạnh Hùng là một người cởi mở và có tầm nhìn chiến lược. 8 năm lãnh đạo VNPT ở cương vị Phó Tổng giám đốc và 6 năm làm Giám đốc VNPT Hà Nội đã giúp ông Trần Mạnh Hùng nhận thức chính xác sự cấp thiết và tự thân của việc tái cơ cấu VNPT. Khác với các buổi làm việc trước đây về tái cơ cấu, VNPT trầm lắng, thậm chí có sự né tránh, thì buổi làm việc này được các thành viên tham dự đánh giá là thẳng thắn, cởi mở nhất từ trước đến nay. Tất cả những khó khăn, thách thức, lợi thế và mong muốn của VNPT đều được đặt lên bàn để cùng mổ xẻ, phân tích và thảo luận nhằm tìm ra các phương án hợp tình, hợp lý cho việc tái cơ cấu VNPT. Một cuộc họp đầy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn nhưng cũng thắm đượm nghĩa tình.
Những hoạt động cho tái cơ cấu VNPT có thể nói là hối hả, một tuần bằng cả một năm, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT. Giờ đây nhiều mục tiêu, phương án đã có được sự đồng thuận giữa lãnh đạo VNPT với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT. Theo kế hoạch, ngay trong tuần tiếp theo, lãnh đạo Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT lại tiếp tục có buổi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu, nhằm nhanh chóng hoàn thiện phương án để triển khai theo nội dung, tinh thần của Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nhiệm vụ thay đổi bộ máy cán bộ là việc làm thường xuyên của cấp ủy Đảng và lãnh đạo các đơn vị với mong muốn tổ chức ngày càng hoàn thiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
“Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đánh giá những thành tích của VNPT trong thời gian qua là nỗ lực của lãnh đạo Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc điều hành và toàn thể cán bộ công nhân viên tập đoàn. Để VNPT không ngừng hoàn thiện và phát triển còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc tái cơ cấu VNPT, tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lại nhân lực. Vì vậy, Bộ TT&TT quyết định điều chuyển nhân sự nhằm đảm bảo VNPT tái cơ cấu thành công, vừa ổn định phát triển như mong muốn của xã hội, Chính phủ và Bộ TT&TT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Đó là mong muốn chính đáng và cũng gửi gắm sự tin cậy vào lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động VNPT trong dịp kỷ niệm 68 năm truyền thống ngành Bưu điện – truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tuỵ – Sáng tạo – Nghĩa tình”.
Theo ictnews.vn